Tên khoa học: Wedelia chinensis (Osbeck) Merr., thuộc họ Cúc - Asteraceae.
( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)
Mô tả:
Cây thảo sống dai, đứng thẳng hay mọc bò, cao tới 40cm. Thân màu xanh, có lông trắng. Lá mọc đối, hình bầu dục, có răng cưa to và nông, có lông thô ở cả hai mặt. Lá có 1 gân chính và 2 gân phụ xuất phát gần như từ một điểm ở phía cuống lá, nổi rõ ở mặt dưới lá. Hoa màu vàng tươi, xếp thành đầu ở nách lá hoặc ở ngọn cành. Quả bế nhỏ, không có lông.
Cây ra hoa vào mùa hè.
Bộ phận dùng:
Toàn cây - Herba Wedeliae Chinensis.
Nơi sống và thu hái:
Cây của phân vùng Ấn Độ - Malaixia, mọc hoang và thường được trồng làm thuốc. Trồng nơi đất tốt hơi ẩm, chọn những đoạn thân có rễ đem vùi xuống đất 2-3cm. Sau 1/2 tháng lại thu hoạch đợt nữa. Thu hái cây gần như quanh năm, chủ yếu vào hè thu, lúc cây đang ra hoa, mang về rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hoá học:
Dịch ép của cây chứa dầu hoà tan 11,2%, hợp chất béo 29,7%, phytosterol 3,75%; caroten 1,14%, chlorophylle 3,75%, nhựa 44,95% còn có đường, tanin, saponin, các chất có solice, pectin, mucin, lignin và các chất có cellulose. Trong lá có chất Wedelolacton, vừa là một flavonoid vừa là một cumarin. Còn có tinh dầu và muối vô cơ.
( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )
Tính vị:
Vị hơi đắng, hơi mặn, tính mát;
Công dụng:
Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, làm long đờm, chống ho.
Chỉ định:
Thường dùng trong các trường hợp: 1. Dự phòng bệnh sởi; 2. Cảm cúm, sổ mũi; 3. Bạch hầu, viêm hầu, sưng amygdal;. 4. Viêm khí quản, viêm phổi nhẹ, ho gà, ho ra máu; 5. Huyết áp cao. Liều dùng 15-30g, dạng thuốc sắc.
Dùng ngoài chữa đinh nhọt, ghẻ lở, rôm sảy, bắp chuối, sưng vú, sưng tấy ngoài da. Lấy một lượng cây tươi cần thiết giã đắp, lấy nước rửa hay bôi.
Ứng dụng lâm sàng của vị thuốc Sài đất
Dự phòng sởi hoặc bạch hầu:
Dùng 15-30g cây khô, dạng thuốc sắc. Liên tục trong 3 ngày.
Bệnh ban độc, ban trái trẻ em, thường biểu hiện sốt nhức đầu, sốt về chiều, về đêm, sốt xuất huyết:
Sài đất 6g, Trùn hổ (chế) 3 con, Cỏ mực 4g, Nhãn lồng 4g, Bạc hà 4g, Thạch cao 2g. Đổ 600ml nước, sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày. Trẻ khi khát nước, kết hợp uống với chanh đường tuỳ thích (kinh nghiệm dân gian ở An Giang).
Chữa rôm sảy trẻ em:
Sài đất vò nát, pha nước tắm cho trẻ.
Chữa sốt cao:
Sài đất 20-50 g, giã nát, pha với nước uống, bã đắp vào lòng bàn chân.
Chữa sốt xuất huyết:
Sài đất tươi 30 g, kim ngân hoa 20 g, lá trắc bá (sao đen) 20 g, củ sắn dây 20 g (có thể dùng lá sắn dây), hoa hòe (sao cháy) 16 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang. Nếu sốt cao, khát nhiều, thêm củ tóc tiên (mạch môn) 20 g.
Chữa viêm tuyến vú:
Sài đất 50 g, bồ công anh 20 g, kim ngân hoa 20 g, thông thảo 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa viêm bàng quang:
Sài đất tươi 30 g, bồ công anh 20 g, mã đề 20 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa nhọt:
Sài đất 30 g, kim ngân hoa, lá 15 g, khúc khắc (thổ phục linh) 10 g, bồ công anh 20 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa mụn, lở, chàm:
Sài đất 30 g, kim ngân hoa, lá 15 g, khúc khắc 10 g, ké đầu ngựa 12 g, cam thảo đất 16 g. Sắc uống ngày một thang. Sài đất giã nát, đắp lên mụn lở cũng tốt.
Chữa ung thư môn vị:
Sài đất 30 g, bán chi liên 30 g, bạch hoa xà thiệt 30 g. Sắc uống ngày một thang