Thuốc bỏng, Sống đời, Lạc địa sinh căn, Trường sinh, Thổ tam thất, Đả bất tử, Diệp sinh căn, Sái bất tử, Lạc địa sinh căn
Tên khoa học: Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. (Cotylelon pinnata Lam.), thuộc họ Thuốc bỏng - Crassulaceae.
Tiếng Trung: 落地生根 (Lạc địa sinh căn) ( Mô tả, hình ảnh, thu hái, chế biến, thành phần hoá học, tác dụng dược lý ....)
Mô tả:
Cây thảo cao cỡ 40-60cm. Thân tròn, nhẵn, mọng nước, có đốm tía. Lá mọc đối chéo chữ thập, đơn hoặc gồm 3-4 lá chét dày, mép lá khía răng cưa tròn. Hoa màu đỏ hay vàng cam mọc thành xim rũ xuống trên một cán dài ở ngọn thân hay ở nách lá. Cây ra hoa tháng 2-5.
Bộ phận dùng:
Toàn cây - Herba Kalanchoes Pinnatae.
Nơi sống và thu hái:
Loài cổ nhiệt đới, phân bố ở Ấn Độ, Nam Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc hoang ở vách đá, ven suối, nơi có nhiều ánh sáng, cũng thường được trồng. Trồng bằng lá, vì nó có khả năng tạo thành cây ra từ nách các vết khía của mép lá. Thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi.
Thành phần hóa học:
Lá chứa acid malic, isocitric, citric, succinic, fumaric, pyruvic, oxalacetic, lactic, oxalic và một số acid hữu cơ khác. Còn có các glucosid flavonoic như quercetin 3-diarabinosid, kaempferol 3-glucosid, các hợp chất phenolic bao gồm acid p-cumaric, syringic, cafeic, p-hydroxeybenzoic.
( Công dụng, Tính vị, quy kinh, liều dùng .... )
Tính vị: Vị nhạt, hơi chua, chát, tính mát.
Qui kinh: Can
Công dụng: Giải độc tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống, bạt độc sinh cơ.
Ứng dụng lâm sàng của cây Thuốc bỏng
+Tai nạn đứt da chảy máu, dập nát, bầm huyết, bỏng lửa, rắn rết cắn: Giã nhuyễn lá để đắp buộc lên vết thương.
+Trĩ (nội, ngoại) Dịch lá sống đời uống vào sáng và tối, mỗi lần 60ml (20 - 25 lá).
+Chốc lở sài đầu, mụn nhọt lở ghẻ ở trẻ em: Trong uống dịch lá bỏng, sáng tối, mỗi lần 20 - 25ml. Ngoài đắp rửa bằng nước lá bỏng giã nhuyễn.
+Mụn trứng cá: Trong uống, ngoài đắp rửa.
+Các bệnh phong ngứa dị ứng (lở sơn, mề đay, chàm): Trong uống, ngoài xoa đắp rửa.
+Viêm họng khô rát ngứa: Nhai ngậm lá bỏng
+Cúm, sổ viêm mũi xoang: vò lá bỏng nhét vào lỗ mũi, nhỏ dịch lá bỏng.
+Sốt xuất huyết: Ngày đầu mỗi ngày uống 3 - 4 lần 100ml. Ngày sau 2 lần. Mỗi lần 60ml cho đến khi khỏi.
+Viêm nhiễm đường hô hấp, ho, ho lao, ho ra máu: Uống thường xuyên sáng tối. Mỗi lần 60 - 80ml dịch lá bỏng.
+Trẻ em ho gà 20 - 25ml (6 - 8 lá).
+Xơ gan cổ trướng và các loại viêm gan: Uống ngày 3 lần, mỗi lần 100ml liên tục. Dùng lá trong bóng râm có nhiều vị chua.
+Viêm loét dạ dày: Không chảy máu uống 60ml vào sáng tối, có chảy máu các ngày đầu 3 - 4 lần với liều 100ml (khoảng 35 lá) cho cầm, sau đó ngày 2 lần, mỗi lần 60ml.
+Phù thận (và các loại phù thũng) uống ngày 2 lần dịch lá bỏng, mỗi lần 60ml.
+Mồ hôi trộm: Cho trẻ uống ngày 2 lần, mỗi lần 60ml.