thảo quả còn gọi là đò ho, tò ho, mac hâu, may mac hâu
Mô tả:
Thảo quả không chỉ là một gia vị trong nhiều món ăn mà còn là một cây thuốc quý, Loại thảo, sống lâu năm, cao chừng 2,5-3m. Thân rễ mọc ngang, có đốt, đường kính chừng 2,5-4cm, giữa có màu trắng nhạt, phía ngoài màu hồng, mùi thơm. Lá mọc so le, có lá có cuống, có lá không cuống, bẹ lá có khía dọc, phiến lá dài 60-70cm, rộng tới 20cm, mặt trên phiến lá màu xanh thẫm, mặt dưới hơi mờ, mép lá nguyên. Cụm hoa bông, mọc từ gốc, dài chừng 13-20cm, hoa màu đỏ nhạt, mỗi bông nhiều quả, khi chín quả màu đỏ nâu, dài 2,5-4cm, rộng 1,5-2cm. Vỏ quả ngoài dầy 5mm, quả chia làm 3 ô, mỗi ô có độ 7-8 hạt rất thơm, có áo hạt hình tháp, ép vào nhau.
Phân bố: Mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền núi như Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên, Tây Bắc.
Thu hái, Sơ chế: Lựa quả chưa chín, hái về phơi hoặc sấy nhẹ lửa cho khô (thường 3-4 ngày). Quả khô sẽ ngả mầu xám nâu nhạt, nhiều nếp nhăn dọc và thường phủ 1 lớp phấn trắng. Khi nào dùng mới bóc vỏ ngoài lấy hạt, nếu bóc ngay sẽ mất mùi thơm.
 Công dụng và liều dùng:
Thảo quả là một vị thuốc, đồng thời là một gia vị. theo sách cổ thảo quả có tính năng khử hàn, trừ đờm, chữa sốt rét, tiêu thực, dùng làm thuốc kiện tỳ, giải độc, chữa đau bụng, nôn mửa, hôi mồm.
liều dùng; 3-6g dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác

Đơn thuốc có thảo quả:
Chữa hôi miệng: Thảo quả giã dập, ngậm vào miệng
Trị sốt rét, tiêu chảy: Thảo quả 10g, Kha tử 10g, Gừng sống 7 lát, Táo đen 7 quả, nước 300ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày
|